Các dấu hiệu phân biệt pin dự phòng Xiaomi thật và nhái
Pin dự phòng Xiaomi (Trung Quốc) đang là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường nhờ mức giá hợp lý, hình thức đẹp và chất lượng tương đối tốt. Tuy vậy, sản phẩm này hiện có nhiều hàng nhái bán tràn lan cả trên mạng và các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam.
Hiện nay, Xiaomi mới chỉ bán có một sản phẩm chính hãng của họ ở thị trường Việt Nam là chiếc smartphone Xiaomi Redmi 1S thông qua nhà phân phối Digiworld. Các sản phẩm khác gồm cả pin sạc dự phòng chưa bán chính thức tại Việt Nam. Vì vậy, các sản phẩm pin dự phòng của Xiaomi tại thị trường Việt Nam hiện tại đều là hàng xách tay được các cửa hàng nhập về bán.
Pin dự phòng Xiaomi hiện có 3 sản phẩm với các dung lượng khác nhau: 5000 mAh, 10400 mAh và 16.000 mAh, trong đó mẫu 10400 mAh được ưa chuộng nhất và cũng là mẫu có nhiều hàng nhái nhất. Do chưa có hàng chính hãng nên giá pin Xiaomi ở Việt Nam cũng khá đa dạng, phổ biến từ mức 350.000 đồng đến gần 500.000 đồng với viên pin 10400 mAh hoặc trên 600.000 đồng đến 800.000 đồng với viên pin 16.000 mAh.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, giám đốc hệ thống Xuân Vũ Audio, cũng là đơn vị nhập pin dự phòng Xiaomi về bán thì giá pin Xiaomi loại 10.400 mAh về Việt Nam khó có thể có mức giá dưới 300.000 đồng bởi đây là mức giá gần sát với giá nhập và giá bán chính thức tại Trung Quốc là 69 nhân dân tệ (tương đương 250.000 đồng). Chính vì vậy, những nơi bán giá rẻ bất thường, dưới 200.000 đồng với viên pin Xiaomi 10.400 mAh thì người dùng nên kiểm tra cẩn trọng.
Để giúp bạn đọc phân biệt được pin Xiaomi thật và nhái, chúng tôi đã mua một viên pin Xiaomi 10.400 mAh xịn và một viên pin nhái giá 190.000 đồng (mua qua mạng từ người bán ở Tạ Quang Bửu, Hà Nội) để so sánh, tìm ra những khác biệt dễ nhận thấy nhất nhằm giúp bạn đọc có thể phân biệt.
Cách đơn giản nhất là dựa vào tem chống hàng giả
Cách đơn giản nhất là kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm dựa vào tem chống hàng giả dán trên vỏ hộp. Thường thì pin Xiaomi chuẩn mới có tem chống hàng giả, còn hàng nhái như sản phẩm chúng tôi mua không có.
Pin nhái (phía trên) thường không có tem chống hàng giả
Tuy vậy, bạn vẫn có thể làm bước xác thực nữa là cào lớp mạ màu xám trên tem chống hàng giả để lấy mã 20 số (ô màu đỏ trong ảnh trên). Sau đó truy cập vào trang mi.com/verify (tiếng Anh) để nhập 20 số đó và mã Captcha để tiến hành xác thực. Nếu kết quả trả về là dòng chữ tiếng Anh "The Product you are checking is Mi Power Bank" như ảnh phía dưới thì đó là hàng chính hãng.
Ngoài tem chống hàng giả thì ngay trên vỏ hộp sản phẩm nhái và hàng xịn cũng có một vài điểm khác nhau. Cụ thể, các chữ và số trên hộp của pin Xiaomi xịn trông mờ hơn chứ không đậm như trên hộp hàng nhái. Tuy vậy, điểm này cũng khó phân biệt nếu không có điều kiện so sánh trực tiếp giữa hai sản phẩm thật và nhái.
Các cách khác
Trong trường hợp bạn không có hộp sản phẩm thì có thể dựa vào các chi tiết nào? Nhìn và trải nghiệm hai sản phẩm chúng tôi có trên tay thì giữa hàng xịn và hàng nhái có một số điểm khác biệt như sau:
1) Đầu tiên là nhìn vào đèn LED, nếu đèn quá sáng thì đó là hàng nhái. Đèn LED của hàng chính hãng chỉ vừa đủ sáng, không chói mắt như hàng nhái. Hai nữa là bốn lỗ đèn LED của hàng chính hãng nhỏ hơn nhiều so với hàng nhái. Và trong quá trình sử dụng, ở hàng chính hãng khi nhấn và giữ nút nguồn thì đèn đều tắt, thả tay ra đèn sáng lại. Trong khi đó, hàng nhái thì nhấn và giữ nút nguồn đèn vẫn sáng.
Đèn LED trên sản phẩm nhái (phía trên) to và sáng gắt hơn đèn LED trên sản phẩm chính hãng (phía dưới).
Khi bấm giữ vào nút nguồn, đèn LED của hàng nhái (phía trên) sáng còn đèn trên sản phẩm chính hãng tắt, thả tay ra mới sáng.
2) Ở mặt đáy của pin, các chữ và thông số của sạc nhái in đậm, còn ở hàng chính hãng thì các chi tiết này được in mờ trông tinh tế hơn khi nhìn thực tế.
Sản phẩm nhái phía trên và chính hãng phía dưới
3) Lớp sơn bề mặt của pin chính hãng trông đều và mịn như các dòng Macbook của Apple, còn ở hàng nhái thì màu sơn không được mịn bằng. Tuy vậy, chi tiết này phân biệt không dễ nếu có không có điều kiện so sánh song song giữa hai sản phẩm.
Sản phẩm nhái bên trái và chính hãng bên phải, chữ logo MI trên hàng chính hãng in đậm và có độ tương phản tốt hơn hàng nhái.
4) Logo (chữ MI) trên viên pin chính hãng được in đậm và màu sắc có độ tương phản tốt hơn so với logo trên hàng nhái.
5) Cáp sạc USB đi kèm trên hàng chính hãng có đầu nhựa màu đen và dây màu xanh đen còn hàng nhái thì đầu nhựa và dây có màu trắng.
Đầu cáp sạc của hàng chính hãng có màu đen còn hàng nhái màu trắng
6) Bên trong cổng microUSB (để sạc vào) của hàng thật có màu trắng còn hàng nhái là màu xám đen. Ngoài ra, cổng USB và micro-USB trên hàng chính hãng trông chau chuốt và chất lượng hơn.
Hàng thật bên trái và bên phải là hàng nhái
Tổng thể thì các chi tiết trên hàng thật như cổng USB và micro-USB được làm chau chuốt và chất hơn. Trọng lượng của hai viên pin cũng khác nhau nhiều: viên pin xịn (160g) nặng hơn viên nhái (140g).
Các khác biệt bên trong
Việc phân biệt pin dự phòng Xiaomi xịn hay nhái chỉ cần dựa vào các yếu tố phía trên là có thể đủ để không mua phải pin nhái. Tuy vậy, các hình ảnh mổ dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết hơn về chất lượng của hai viên pin. Các chi tiết trong bức ảnh nội thất cho thấy viên pin Xiaomi chính hãng sử dụng lõi pin của LG, còn hàng nhái thì không có thông số nào cho thấy đó là lõi pin của nhà cung cấp nào.
Lõi và bo mạch của pin chính hãng (bên trái) và pin nhái (bên phải)
Mạch điện tử (PCB) của viên pin chính hãng là mạch hai lớp, sử dụng bộ chuyển đổi nguồn IC BQ24195 của hãng bán dẫn Texas Instruments (Mỹ) và có cơ chế bảo vệ quá dòng, quá áp và cảnh báo nhiệt độ của pin. Trong khi đó, mạch in PCB của viên pin nhái chỉ có một lớp, không có chế độ bảo vệ dòng, áp, nhiệt độ và các linh kiện tối giản để giảm giá thành (cổng USB kém chất lượng). Ngoài ra, chất lượng lắp ráp của viên pin chính hãng sử dụng nhiều ốc định vị rất chắc chắn và khung nhôm cũng dày dặn hơn và có mấu bên trong để gá đỡ.
Theo Thanh Phong (VNReview)
Ngoài ra theo Ad có 1 cách hay nữa để test là chập mạch (shot) dây sạc USB, nếu là pin thật, pin sẽ tự tắt để bảo vệ mạch. Xem chi tiết trong video sau đây: